Hàng năm, kế toán doanh nghiệp đều thực hiện kết chuyển lãi lỗ đầu năm cuối năm.
1. Kết chuyển lãi lỗ là gì ?
Trước khi đi sâu vào tìm hiểu các bút toán kết chuyển đầu năm, cuối năm, chúng ta cần xác định thế nào là kết chuyển lãi lỗ.
Hiểu theo một cách đơn giản thì kết chuyển lỗ lãi chính là việc mà kế toán doanh nghiệp sẽ tiến hành cộng phần lãi hoặc trừ phần lỗ vào năm tài chính tiếp theo của doanh nghiệp.
Lý do là bởi, vào cuối kỳ kế toán, doanh nghiệp sẽ phải xác định kết quả hoạt động kinh doanh và phản ánh vào tài khoản 911. Có được kết quả này, doanh nghiệp sẽ xác định được xem năm đó hoạt động kinh doanh đã thu về hiệu quả là lãi hay đã không thu được hiệu quả là lỗ. Kết quả này cần được phản ánh sang năm tài chính tiếp theo để làm cơ sở đánh giá hiệu quả của năm đó. Và việc phản ánh này chính là kết chuyển lãi lỗ đầu năm cuối năm.
Đối với trường hợp kết chuyển lỗ, doanh nghiệp cần đảm bảo tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc chuyển lỗ.
2. Hạch toán kết chuyển lãi lỗ đầu năm cuối năm
2.1 Hạch toán kết chuyển lỗ lãi đầu năm
Tài khoản sử dụng: Tài khoản 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Căn cứ vào Thông tư 200/2014, tài khoản 421 có 2 tài khoản cấp 2 là:
- TK 4211: lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm trước
- TK 4212: lợi nhuận chưa phân phối năm nay
Kế toán sẽ phản ánh kết chuyển lãi lỗ lên hai tài khoản này. Trong việc kết chuyển lỗ lãi thì số dư của TK 4212 trên bảng cân đối phát sinh tài khoản của năm trước sẽ phản ánh kết quả hoạt động của năm trước.
- Trường hợp TK 4212 có số dư bên Nợ đồng nghĩa với việc Doanh nghiệp năm trước lỗ: bút toán kết chuyển lỗ như sau:
Nợ TK 4211 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của năm trước
Có TK 4212 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của năm nay
- Trường hợp TK 4212 có số dư bên Có đồng nghĩa với việc Doanh nghiệp năm trước lãi: bút toán kết chuyển lãi như sau:
Nợ TK 4212 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của năm nay
Có TK 4211 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của năm trước
2.2 Hạch toán kết chuyển lỗ lãi cuối năm
Để đảm bảo kết quả lợi nhuận của doanh nghiệp được xác định chính xác nhất, trước khi tiến hành kết chuyển lãi lỗ, kế toán doanh nghiệp cần thực hiện các bút toán hạch toán định kỳ. Đây sẽ là căn cứ để xác định chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Hệ thống các bút toán kết chuyển cuối kỳ thường được sử dụng bao gồm:
- Kết chuyển doanh thu bán hàng và dịch vụ thuần
Nợ TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 911 – Xác định kết quả hoạt động kinh doanh
- Kết chuyển giá vốn hàng bán:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 632 – Giá vốn hàng bán
- Kết chuyển doanh thu tài chính và thu nhập khác:
Nợ TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính
Nợ TK 711 – Thu nhập khác
Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
- Kết chuyển chi phí tài chính và chi phí khác:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 635 – Chi phí tài chính
Có TK 811 – Chi phí khác
- Kết chuyển chi phí bán hàng:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 641 – Chi phí bán hàng
- Kết chuyển chi phí quản lý doanh nghiệp:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 642 – Chi phí bán hàng
- Kết chuyển chi phí thuế TNDN hiện hành
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 8211 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành
- Kết chuyển kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối:
Kết chuyển lãi, ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Kết chuyển lỗ, ghi:
Nợ TK 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
3. Bài tập kết chuyển lãi lỗ đầu năm, cuối năm
Tại công ty A, đầu năm 2019 có số dư bên có TK 4212 – 110 triệu đồng, công ty có các số liệu cuối năm 2019 như sau:
- Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ đạt 500 triệu đồng
- Giá vốn hàng bán hết 380 triệu đồng
- Doanh thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác của doanh nghiệp lần lượt là 200 triệu và 120 triệu đồng
- Trong năm tài chính, doanh nghiệp có chi phí tài chính, chi phí khác lần lượt là 90 triệu và 60 triệu đồng
- Chi phí bán hàng: 40 triệu đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp 60 triệu đồng.
- Tính thuế TNDN, biết thuế suất thuế TNDN: 20%
- Xác định kết quả hoạt động kinh doanh và kết chuyển lãi, lỗ cuối năm
Biết rằng các chi phí trên đều là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
Hướng dẫn thực hiện:
- Kết chuyển lãi năm trước:
Nợ TK 4212 – 110.000.000
Có TK 4211 – 110.000.000
- Kết chuyển doanh thu bán hàng và dịch vụ thuần
Nợ TK 511 – 500.000.000
Có TK 911 – 500.000.000
- Kết chuyển giá vốn hàng bán:
Nợ TK 911 – 380.000.000
Có TK 632 – 380.000.000
- Kết chuyển doanh thu tài chính và thu nhập khác:
Nợ TK 515 – 200.000.000
Có TK 911 – 200.000.000
Nợ TK 711 – 120.000.000
Có TK 911 – 120.000
- Kết chuyển chi phí tài chính và chi phí khác:
Nợ TK 911 – 90.000.000
Có TK 635 – 90.000.000
Nợ TK 911 – 60.000.000
Có TK 811 – 60.000.000
- Kết chuyển chi phí bán hàng:
Nợ TK 911 – 60.000.000
Có TK 641 – 60.000.000
- Kết chuyển chi phí quản lý doanh nghiệp:
Nợ TK 911 – 40.000.000
Có TK 642 – 40.000.000
- Xác định thuế TNDN:
Thuế TNDN = 20% x [(500.000.000 + 320.000.000) – (380.000.000 + 150.000.000 + 100.000.000)] = 38.000.000
=> Kết chuyển chi phí thuế TNDN hiện hành:
Nợ TK 911 – 38.000.000
Có TK 8211 – 38.000.000
- Xác định kết quả hoạt động kinh doanh, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Kết quả hoạt động kinh doanh = [(500.000.000 + 320.000.000) – (380.000.000 + 150.000.000 + 100.000.000) – 38.000.000 = 152.000.0000
Kết chuyển kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối:
Kết chuyển lãi, ghi:
Nợ TK 911 – 152.000.000
Có TK 421 – 152.000.000
Như vậy, tại thời điểm cuối năm 2019, dư bên có của TK 421 của công ty A là 262 triệu đồng
COMMENTS